Lá giang hay còn gọi dây dang, giang chua. Loài cây này thì không phải ai cũng biết, chắc do tính chất của đất mà chúng ta chỉ có thể bắt gặp nó mọc ở miền trung và phía nam Việt Nam.

Lá giang có thể được kết hợp với nhiều loại thực phẩm tạo nên món ăn ngon với vị chua đặc trưng của nó, hơn nữa nó còn có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe mà tiêu biểu nhất là khả năng thanh nhiệt giải độc. Vào những ngày tiết trời se lạnh thì có lẽ lẩu gà lá giang là một lựa chọn phù hợp với chúng ta.

Vị béo và ngọt của gà cùng vị chua thanh của lá giang, của măng chua, vị cay cay của ớt và sả tạo nên một mùi thơm quyến rũ khiến ai thưởng thức nào cũng phải thích thú. Cách nấu lẩu gà lá giang cũng đơn giản, không chút cầu kỳ chút nào đâu nha. Cùng vào bếp trổ tài ngay nào.

Nguyên liệu nấu lẩu gà lá giang

  • Thịt gà : 700gr
  • Lá giang : 150gr
  • Hành lá : 5 nhánh
  • Hành tây: 50gr
  • Ngò rí: 15gr
  • Ngò gai: 15gr
  • Tỏi băm: 50gr
  • Sả: 3 cây
  • Ớt : 5 quả
  • Ớt sừng : 1 quả
  • Gia vị: hạt nêm, muối, đường trắng, nước mắm, dầu ăn
  • Ăn kèm: bún tươi ( 100gr), bắp chuối(100gr), rau muống(100g),…

Cách nấu lẩu gà lá giang

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu cho món lẩu gà lá giang

  • Đầu tiên các bạn làm thịt gà ta rồi lấy muối sát đi sát lại xung quanh con gà để khử mũi hôi trên gà và rửa gà thật sạch lại với nước. Sau đó, bạn chặt gà ra thành từng miếng vừa ăn rồi ướp cùng với gia vị theo tỷ lệ: 1/2 thìa cà phê hạt tiêu + 1 thìa cà phê nước mắm + 1 thìa cà phê muối và để trong khoảng thời gian 15 phút để cho gia vị được ngấm thật đều vào trong gà
  • Lá giang rửa thật sạch với nước và vò cho lá giang dập đi một chút nhé.
  • Rau ngò gai bạn cũng đem rửa thật sạch với nước rồi đem thái nhuyễn. Tỏi bóc bỏ vỏ và băm nhuyễn. Ớt + sả bạn rửa sạch và cắt xéo.

Các loại rau ăn kèm lẩu nhặt sạch, loại bỏ đoạn già giập, rửa sạch, ngâm sơ nước muối loãng khoảng 15-20 phút sau đó vớt ra rổ cho ráo rồi xếp vào rổ hay đĩa.

Bước 2: Cách thực hiện món lẩu gà lá giang

  • Cho dầu ăn vào chảo, đợi dầu nóng thì cho tỏi băm vào, phi đến khi tỏi vàng thơm thì vớt phần tỏi ra để riêng.
  • Tiếp tục cho sả cây, đầu hành và ớt đã được đập dập vào nồi. Xào cho các nguyên liệu thơm lên thì cho thịt gà vào xào cho săn lại. Thêm vào 2 lít nước lọc rồi nấu sôi.
  • Khi nước lẩu sôi có bọt thì nhớ hớt bọt sẽ khiến nước lẩu trong hơn. Hạ nhỏ lửa đun gà trên bếp 15 phút để gà chín mềm. Cho lá giang vào nồi lẩu, khi cho nhớ xé nhỏ và vò lá giang hơi dập để vị chua trong lá giang hòa quyện vào nước lẩu. Sau đó nếm lại gia vị cho vừa ăn thấy vị nước lẩu chua chua ngọt ngọt là được.
  • Thả hành tây xắt múi, ớt sừng xắt lát, ngò om và ngò gai cắt nhỏ vào nồi lẩu. Khuấy đều và thêm tỏi phi là hoàn tất.

Những lưu ý khi nấu món lẩu gà lá giang

  • Tránh nấu lẩu gà trong nồi nhôm, vì món ăn có chất chua có thể ăn mòn nhôm, làm nồng độ nhôm trong nước lẩu tăng cao, có thể gây ngộ độc, nên dùng các loại nồi inox hay tráng men là tốt nhất.
  • Chà thịt gà với muối hột sẽ làm cho thịt không còn hôi và lấy đi những bụi bẩn nhỏ li ti dính trong thịt gà
  • Lá giang vò nhẹ để không bị chát và phát huy vị chua tự nhiên
  • Lá giang khi càng nấu sẽ càng chua vì thế điều chỉnh lượng lá giang cho thích hợp, đừng để nước lẩu bị chua quá mất ngon.
  •  Độ cay của ớt, ngọt của đường cũng tùy chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người ăn.
  • Cho 1 củ hành khô nằm trong nồi nước lèo nhe, việc này làm cho nước lèo ngon hơn rất nhiều luôn đấy.